Hội thảo Phát triển Tăng trưởng xanh cho địa phương – Góc nhìn đa ngành: Phối hợp đa ngành, hướng tới phát triển bền vững

13-11-2023

Ngày 28/10/2023 vừa qua, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH – ISCM) đã kết hợp cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ tổ chức Hội thảo Phát triển Tăng trưởng xanh cho địa phương – góc nhìn đa ngành. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều giáo sư, chuyên gia và người học đến từ các đại học/trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở ban ngành cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tham dự sự kiện, có sự hiện diện của TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc; Ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Ủy viên BCH Liên Đoàn Thương mại & Công nghiệp VN, Tổng giám đốc của Công ty Cổ Phần Tập đoàn Green+; TS. Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, Ông Anthony Edwin Nahas – Đồng sáng lập của SmartBlock Communities tại San Francisco và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, và quy hoạch thiết kế.

Toàn cảnh Hội thảo Phát triển Tăng trưởng xanh cho địa phương – Góc nhìn đa ngành

Đứng trước thế giới đầy biến động, tăng trưởng xanh đã trở thành tiền đề cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Lấy con người là trung tâm, tăng trưởng xanh giảm bớt sự nhạy cảm của con người trước các biến đổi của khí hậu với các giải pháp hướng tới khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, nhất là văn hóa sống xanh. Điều này sẽ góp phần hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường, đồng thời đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

Là hoạt động nằm trong chiến lược và định hướng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo Phát triển Tăng trưởng xanh cho địa phương – Góc nhìn đa ngành đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện gồm các nội dung liên quan trực tiếp đến công tác quy hoạch và triển khai dự án phát triển hành lang ven sông Sài Gòn với chia sẻ đến từ các chuyên gia trực tiếp nghiên cứu và đề xuất. Bên cạnh đó, hội thảo còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của tất cả lĩnh vực, cũng như của cộng đồng trong hành trình giúp Thành phố Hồ Chí Minh đạt được tăng trưởng xanh và tiến tới phát triển bền vững này.

Quy hoạch, triển khai dự án phát triển hành lang ven sông Sài Gòn – Đề án “Đánh thức con rồng xanh”

Khẳng định vị thế dẫn sắt của thành phố; Tạo cơ địa mới để phát triển, kết nối vùng; hay mang giá trị lịch sử 50 năm, sông Sài Gòn hoàn toàn có thể được xem là “tinh túy” của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn nhận điều đặc biệt này, TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn đã khẳng định thời khắc chuyển mình của sông Sài Gòn đã đến, với việc phát triển hành lang sông Sài Gòn. Khi các giải pháp và kế hoạch phù hợp được triển khai, công tác này hoàn toàn có thể giúp TP. HCM đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong quá trình trở thành đô thị thông minh và bền vững.

TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về Phát triển xanh từ bản sắc hạ tầng địa phương – Trường hợp Phát triển hành lang sông Sài Gòn

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp được đưa ra phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc phát triển dành riêng cho sông Sài Gòn được nhóm các giáo sư, chuyên gia đúc kết thông qua các quá trình nghiên cứu dài hạn các công trình khoa học, cùng các trường hợp thực tiễn. Các nguyên tắc này đề cập đến các vấn đề liên quan đến 1. Bảo tồn và phát huy bản sắc Văn hóa Lịch sử, lợi thế sông nước; 2. Chuyển đổi xanh, quản lý tài nguyên bền vững và Liên Kết vùng; và 3. Phát triển cộng sinh, Hài hòa, Thích nghi với Biến đổi Khí hậu. Dựa trên các nguyên tắc này, 6 trục chuyển đổi xanh – định hướng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường được xác định, gắn bó chặt chẽ với tầm nhìn phát triển hành lang ven sông Sài Gòn.

Một trong các giải pháp được đề cập đến trong sự kiện là đề án Đánh thức con con rồng xanh được Ông Đặng Đức Thành đã đề cập trực tiếp đến. Có thể thấy, giải pháp “Đánh thức con rồng xanh” hướng tới triển khai đề xuất vận dụng nguyên tắc sử dụng tối thiểu nguồn lực để thực hiện hóa tối đa những mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới tăng cường đáng kể diện tích công diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa sông nước.

Ông Anthony Edwin Nahas chia sẻ về Ý tưởng cho Tăng trưởng xanh: Chuyển đổi Thành phố thành các khối sinh thái

Một giải pháp khác liên quan đến chuyển đổi thành phố thành các khối sinh thái, do ông Anthony Edwin Nahas trình bày. Thông qua việc kiến tạo các khối sinh thái (Eco-block), công tác quy hoạch lại đô thị sẽ trực tiếp đảm bảo được yếu tố phát thải ròng bằng 0, cùng với tính bền bỉ, an toàn và đảm bảo về các khoản tài chính cần để triển khai. Tuy vậy, việc chuyển đổi thành phố Hồ Chí Minh thành các khối sinh thái sẽ cần tác động đến nhiều yếu tố, từ nâng cấp và sửa chữa các tòa nhà, đến đưa ra các thiết kế hướng tới giải quyết tích hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình “xanh hóa” các đô thị.

Kết hợp phát triển đa lĩnh vực, vai trò của các doanh nghiệp và các trường đại học trong việc nâng cao nhận thức và hành động vì mục tiêu phát triển bền vững.

Với 6 trục chuyển đổi xanh – định hướng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường đã được TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn nhắc đến, yêu cầu đã được đặt ra cho sự kết hợp đa ngành và đa lĩnh vực, trải dài từ Văn hóa và Di sản, Thương mại và giải trí, Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo, Hợp tác và Triển lãm, Hàng hải và Vận tải, Quản lý Hệ sinh thái nước bền vững, cùng với Không gian xanh và giải trí.

Yêu cầu này được thể hiện rõ tại đề án “Đánh thức con rồng xanh”. Đề án là một cách làm mới, giúp huy động mọi nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước, trên nền tảng mô hình vòng xoắn 3 (Triple Helix), là sự phối hợp chặt chẽ của giữa nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng các dự án dọc hành lang sông Sài Gòn bằng cơ chế tài chính thông minh và cách làm đổi mới sáng tạo theo tinh thần nghị quyết 98 (nghị quyết 98/2023/QH15). Điều này đã được ông Phan Văn Mãi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề cập trong sách: Đánh thức con rồng xanh.

Đặc biệt đối với vai trò của các Trường Đại học/ Viện nghiên cứu, TS. Trịnh Tú Anh đã chia sẻ về các nhiệm vụ chiến lược trong quá trình hướng tới tăng trưởng xanh. Có thể thấy, các hoạt động của các Trường Đại học/ Viện nghiên cứu cần hướng tới nâng cao nhận thức về Bền vững, trao quyền hành động vì sự bền vững, và cuối cùng là hành động bền vững, và đặc biệt là theo sát 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (17 SDGs).

TS. Trịnh Tú Anh chia sẻ về Vai trò của trường đại học/viện nghiên cứu trong tăng trưởng xanh

TS. Trịnh Tú Anh đã đặc biệt nhắc đến Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), với các chiến lược phát triển gắn liền với tính bền vững, và mục tiêu trở thành Đại học UEH Đa ngành và Bền vững. Trong đó, cùng với các chiến lược phù hợp, UEH có các nguyên tắc thực hành chính, bao gồm Đào tạo là cốt lõi, Living Campus là công cụ, PDCA (Chu trình Lập kế hoạch-Thực hiện-Kiểm tra-Hành động) là quy trình, One UEH là điều không thể thiếu và Cam kết là nền tảng cho quá trình chuyển đổi, biến những lời hứa hẹn bền vững trở thành hiện thực.

Các giáo sư, chuyên gia trao đổi về vấn đề tăng trưởng xanh.

Cuối sự kiện, các diễn giả và chuyên gia tham dự đã ngồi lại và trao đổi với nhau về các vấn đề được trình bày. Đây là một buổi thảo luận cởi mở với các góc nhìn đan xen đến từ các chuyên gia nhiều phía. Tất cả đều cùng hướng đến quan điểm đề cao sự tham gia của tất cả mọi người, kiến tạo một cộng đồng sáng tạo, cùng thực hiện mục tiêu trước là phát triển hành lang sông Sài Gòn, sau là hướng tới mục tiêu phát triển các đô thị bền vững và bền bỉ trước các biến động của tương lai.

Sự kiện thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp, cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong hành trình tăng trưởng xanh, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp và các Trường đại học trong việc nâng cao nhận thức và hành động vì mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với sự tham gia của các giáo sư và chuyên gia trực tiếp hoặc trực tuyến, cũng như sinh viên đến từ các trường đại học, sự kiện đã đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi và tranh luận, nghiên cứu chuyên sâu, hướng tới đưa ra các giải pháp tối ưu để đạt được tăng trưởng xanh, và phát triển bền vững.

Một số hình ảnh khác:

Tin,ảnh: Viện Đô thị Thông minh và Quản lý