[Podcast] Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên 4.0: Tổng quan và nhu cầu thị trường

02-09-2024

Kỷ nguyên 4.0 đã và đang tạo nên sự hội tụ mạnh mẽ giữa quản trị và công nghệ, với những từ khóa không thể không nhắc đến: “Chuyển đổi số”, “Tích hợp công nghệ vào quản trị”, “Tăng cường hiệu quả lãnh đạo”. Trong xu thế đó, các nhà Quản trị và Lãnh đạo của các tổ chức, doanh nghiệp công và tư cần nắm bắt và áp dụng công nghệ vào quản trị một cách sâu sắc và toàn diện. Chính từ nhu cầu thực tiễn này, UEH đã triển khai buổi Live Talk “Quản trị & Công nghệ: Góc nhìn từ lĩnh vực công & tư thời đại 4.0” với phiên thảo luận đặc biệt dành cho lĩnh vực “Quản trị công nghệ” nhằm tìm ra giải pháp cho các nhà lãnh đạo dẫn dắt tổ chức hiệu quả trong kỷ nguyên số.

Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân sự có khả năng định hướng, điều phối và quản lý chiến lược công nghệ trong bối cảnh số hóa hiện nay. Những vị trí này không chỉ đảm bảo rằng sản phẩm công nghệ đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, mà còn biết cách ứng dụng công nghệ hiệu quả vào mô hình kinh doanh để tối ưu hóa các chỉ số kinh tế. Tuy nhiên, một thách thức lớn hiện nay là khoảng cách giữa nhóm nhân sự quản lý – am hiểu về vận hành và quản trị, và nhóm nhân sự công nghệ – chủ yếu chuyên sâu về kỹ thuật nhưng chưa hiểu rõ cách ứng dụng vào quản lý doanh nghiệp.

Live Talk với chủ đề “Quản trị & Công nghệ: Góc nhìn từ lĩnh vực công & tư thời đại 4.0” của game bắn cá online  sẽ mang đến những góc nhìn độc đáo của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và quản trị gồm: TS. Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị thông minh & Quản lý UEH; TS. Khương Anh Dũng – Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm, IoT, Công Nghiệp 4.0, Bosch Global Software Technologies; TS. Nguyễn Bá Sơn – Giảng viên Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH, Điều phối và xây dựng chương trình Thạc Sĩ Quản trị Công nghệ.

Hoạt động của doanh nghiệp trong chuyển đổi số hiện nay và tư duy của lãnh đạo trong quản trị công nghệ

TS. Trịnh Tú Anh: Với vai trò là Trưởng bộ phận nghiên cứu cũng như phát triển sản phẩm IoT công nghiệp 4.0 của Bosch Global Software Technology – một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, ông Khương Anh Dũng đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi số cũng như áp dụng các công nghệ và những công nghệ cao cho các hoạt động của doanh nghiệp hiện nay? Và tư duy của lãnh đạo trong công tác Quản trị Công nghệ và vị trí của con người trong các hoạt động công nghệ?

TS. Khương Anh Dũng: Hiện tại, trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, thường sử dụng các công cụ như Zalo để hỗ giao tiếp trong công việc. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn phát triển lên một tầm cao hơn, các công cụ nhắn tin này thường khiến thông tin bị phân tán và khó theo dõi một cách chính xác, dẫn đến việc mất mát dữ liệu. Do đó, trong doanh nghiệp cần có những công cụ quản lý chuyên nghiệp hơn như ERP hoặc SAP để đảm bảo việc quản lý thông tin một cách toàn diện, tránh mất mát tài liệu, và tất cả dữ liệu đều được lưu trữ an toàn, với các quyền truy cập khác nhau được phân bổ cho từng người. Những công nghệ này hiện đang được áp dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong bối cảnh đang chuyển dịch IoT sang AI, có thể hỗ trợ từ việc viết email đến dịch thuật. Bên cạnh đó, khi mà việc sử dụng giấy tờ vẫn còn phổ biến, vấn đề bảo mật thông tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi nhà nước ngày càng chú trọng đến chính sách bảo mật trên không gian mạng. Do đó, doanh nghiệp cần phải tìm cách quản lý hệ thống của mình sao cho thông tin được bảo mật, không bị truy xuất trái phép, đồng thời vẫn có thể truy cập từ các thiết bị khác nhau như điện thoại và máy tính một cách linh hoạt.

Về tư duy quản trị, sau khi có được các số liệu và quản lý dữ liệu một cách tự động hóa, người quản lý và những người hoạch định chiến lược cần phải suy nghĩ về cách áp dụng những công nghệ này vào doanh nghiệp một cách hiệu quả. Bởi lẽ, trong quá khứ, sự phát triển về công nghệ diễn ra từ từ, nhưng ngày nay chỉ trong vài năm, công nghệ đã có những bước chuyển đổi rất nhanh. Vì vậy, tư duy của người lãnh đạo cần phải linh hoạt để biết nên áp dụng công nghệ nào cho doanh nghiệp, và làm thế nào để tối ưu hóa chi phí, đảm bảo đạt được mục tiêu cuối cùng của tổ chức. Ngoài ra, khi có rất nhiều dữ liệu, vấn đề đặt ra là làm sao để đưa ra những quyết định chính xác dựa trên dữ liệu đó. Dữ liệu có thể đến từ con người, quy trình, hoặc từ các thiết bị như Camera AI, và người quản trị cần biết cách phân tích, đánh giá để đưa ra những chiến lược phát triển lâu dài. Cuối cùng, phát triển bền vững là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ khi công nghệ phát triển nhanh chóng, doanh nghiệp cần phải quản lý việc đầu tư vào công nghệ một cách khôn ngoan để tránh lãng phí. Dù trong thời đại VUCA rất khó để dự đoán trước tương lai, nhưng người lãnh đạo cần phải có khả năng dự đoán và đưa ra những quyết định đúng đắn để đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

TS. Khương Anh Dũng chia sẻ góc nhìn từ doanh nghiệp trong câu chuyện chuyển đổi số

Trí tuệ nhân tạo AI: Vai trò trong việc ra quyết định dưới góc nhìn đào tạo và doanh nghiệp

TS. Trịnh Tú Anh: Vai trò của Trí tuệ nhân tạo trong việc ra quyết định và đóng góp vào quá trình đào tạo, giáo dục là như thế nào? Và những nhược điểm của việc áp dụng AI vào quá trình quản trị? Liệu rằng AI có thay thế con người trong tương lai như những lời đồn đoán?

TS. Nguyễn Bá Sơn: Hiện nay, trong quản trị, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình hỗ trợ ra quyết định đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Lý do là bởi AI có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn trong thời gian ngắn và cho ra kết quả chính xác, giúp người quản lý đưa ra quyết định nhanh chóng và đúng đắn hơn. Ngoài ra, AI còn giúp tự động hóa quy trình và tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời dự đoán xu hướng tương lai, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường và nhu cầu khách hàng. Trí tuệ nhân tạo còn có khả năng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, giúp phát triển dịch vụ và sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng.

Tuy nhiên, AI cũng có những hạn chế. Đầu tiên, AI dựa vào dữ liệu và thuật toán đã được lập trình sẵn, do đó, khi gặp phải những tình huống phức tạp hoặc không lường trước, thuật toán có thể không đưa ra được quyết định chính xác. Vấn đề bảo mật dữ liệu cũng là một nhược điểm lớn của trí tuệ nhân tạo, như đã được đề cập trước đó. Dù AI đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định và phát triển sản phẩm, dịch vụ, nhưng nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong những quyết định đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và tính nhân văn. Do đó, việc áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo cần được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để đảm bảo rằng các quyết định đưa ra là sáng suốt và hiệu quả nhất.

TS. Khương Anh Dũng:Mặc dù hiện nay có nhiều lo ngại rằng sự phát triển của AI sẽ dẫn đến mất việc làm và AI sẽ dần thay thế con người trong các quyết định, nhưng thực tế không phải như vậy. Có rất nhiều chuyên gia tin rằng AI không thể thay thế hoàn toàn con người. Mặc dù có nhiều dữ liệu và thông tin sẵn có trên mạng, nhưng để một hệ thống AI hoạt động hiệu quả, cần phải có khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ, điều mà chỉ những máy tính mạnh mẽ mới có thể đảm nhiệm. Do đó, không phải công ty nào cũng có thể phát triển một hệ thống như Chat GPT hay các ứng dụng AI tương tự. Việc xây dựng và cập nhật mô hình AI đòi hỏi tốc độ và sức mạnh vượt trội, và trong tương lai, với sự phát triển của máy tính lượng tử và các công nghệ khác, điều này có thể trở nên khả thi hơn.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều công việc mới được tạo ra nhờ AI. Ví dụ, nhu cầu về các nhà khoa học dữ liệu và kỹ sư điều khiển AI đang gia tăng. Việc đặt câu lệnh cho AI như Chat GPT cũng đã trở thành một công việc chính thức. Thế nên, ta có thể nói rằng sự ra đời của AI không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới mà còn giúp con người có cuộc sống tốt hơn bằng cách tự động hóa các công việc tẻ nhạt và lặp đi lặp lại. Thay vì phải dành nhiều giờ để viết một bài văn hay sao chép một văn bản, với sự hỗ trợ của AI, những nhiệm vụ này có thể được hoàn thành chỉ trong vài giây. Điều này cho phép con người tập trung năng lượng vào những công việc sáng tạo và có giá trị hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

TS. Nguyễn Bá Sơn chia sẻ góc nhìn trong câu chuyện về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ

Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực công nghệ

TS. Trịnh Tú Anh: Từ góc độ của doanh nghiệp, hiện nay đang yêu cầu và đặt kỳ vọng như thế nào đối với kết quả đào tạo và năng lực của nguồn nhân lực nhằm đáp ứng và phát triển theo các mục tiêu mà các doanh nghiệp đã đề ra?

TS. Khương Anh Dũng: Trước tiên, việc đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, và yêu cầu tiên quyết của doanh nghiệp là sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm và ứng dụng kiến thức cũng như công nghệ đã học vào môi trường doanh nghiệp. Dĩ nhiên, trong quá trình phát triển và đào tạo, sẽ luôn tồn tại những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, các trường đại học hiện nay đang nỗ lực cập nhật và áp dụng những công nghệ mới nhất. Trong thời đại số hóa hiện nay, tất cả tài liệu và sách vở đã được chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, như thầy Tuấn đã chia sẻ, cho phép mọi người học tập thông qua video và tiếp cận công nghệ từ các nước phát triển hoặc các trường đại học tiên tiến. Ví dụ đơn giản là ChatGPT – khi ra đời, số lượng người truy cập và sử dụng đã tăng nhanh chóng chỉ trong vài ngày, trong khi một doanh nghiệp thông thường có thể cần đến 20 năm để đạt được con số tương tự. Điều này chứng tỏ rằng ngay cả sinh viên, học sinh, và người học đều đã có thể áp dụng và sử dụng thành thạo những công nghệ này, cũng như cập nhật được những kiến thức mới nhất.

Doanh nghiệp luôn kỳ vọng rằng sinh viên khi ra trường sẽ có những kiến thức cơ bản để cập nhật và áp dụng công nghệ. Như anh Tuấn đã chia sẻ về thực tế ảo và thực tế tăng cường, sinh viên cần phải hiểu và biết cách sử dụng những công cụ như ChatGPT hay Microsoft 365, và sắp tới là Copilot, để làm việc hiệu quả. Những kỹ năng này sẽ được nhà trường trang bị thông qua các chương trình học ở bậc thạc sĩ hoặc đại học, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ ngay từ khi còn học, để khi ra trường, họ sẽ không còn bỡ ngỡ và có thể áp dụng ngay vào công việc. Theo quan sát của tôi, sinh viên ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các công nghệ hiện đại. Ví dụ, việc học tiếng Anh đã có những tiến bộ rõ rệt nhờ vào AI – một công cụ giúp họ có thể thực hành nói chuyện trực tiếp mà không cần người bản xứ. Đây là một ví dụ về sự cập nhật liên tục và khả năng áp dụng công nghệ của sinh viên.

Qua các chương trình hợp tác với sinh viên, tôi nhận thấy rằng khoảng 60-70% các bạn đã sử dụng Chat GPT hàng ngày. Tại các doanh nghiệp, nhân viên cũng thường xuyên sử dụng các công cụ này, và nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng chi trả chi phí cao để áp dụng chúng vào công việc hàng ngày như viết email, soạn thảo văn bản, hoặc phát triển ý tưởng ban đầu. Sinh viên hiện nay đã được tiếp cận và sử dụng những công cụ này rất nhiều, ngay cả khi điều đó có thể chưa được nhận thấy rõ ràng. Những kiến thức này thực sự hữu ích và có thể áp dụng ngay vào môi trường doanh nghiệp. Việc sử dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như Prompt Engineering, dù có thể chưa được hiểu rõ ràng, nhưng thực tế là đã trở thành một phần của hoạt động hàng ngày. Đây là những kiến thức cần thiết mà sinh viên có thể áp dụng hiệu quả trong môi trường doanh nghiệp. 

Thách thức, giải pháp và cơ hội công nghệ nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

TS. Trịnh Tú Anh: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dễ bị tổn thương hơn, thường phải theo sau trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, làm thế nào để họ có thể tìm kiếm nguồn tài chính để đầu tư vào những công nghệ mới? Liệu họ nên tự phát triển công nghệ riêng hay tìm cách khác để duy trì sức cạnh tranh? Theo ông, thời điểm nào là thích hợp để các doanh nghiệp này nhận ra cần phải tiến hành chuyển đổi công nghệ? Và đối với các sinh viên, học viên mới ra trường, liệu họ nên lựa chọn làm việc cho các tập đoàn lớn hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có cơ hội phát triển tốt hơn?

TS. Khương Anh Dũng: Đối với doanh nghiệp, việc phân biệt giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn là không quá quan trọng, vì mỗi doanh nghiệp đều có những đặc thù riêng. Về công nghệ, chúng ta có thể thấy rằng ngày nay khác xa so với trước đây, nhờ vào sự phổ biến rộng rãi của nguồn mở. Khoảng 5 năm gần đây, khi AI ra đời, mọi người đã rất quan tâm và hào hứng với nó. Tuy nhiên, AI và machine learning đã xuất hiện từ lâu rồi, nhưng chỉ gần đây chúng mới được ứng dụng rộng rãi và phổ biến hơn. Sự ra đời của các công cụ miễn phí đã góp phần lớn vào điều này.

Hiện nay, khi doanh nghiệp của chúng ta đưa ra quyết định, cần phải xem xét kích thước và hoạt động kinh doanh của mình để lựa chọn những phần mềm miễn phí phù hợp. Tất nhiên, chúng ta phải biết cách chọn phần mềm sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế và đảm bảo tính bảo mật. Việc biết cách sử dụng các công nghệ miễn phí như Chat GPT 3.5, hay các công cụ từ Google, Microsoft, là rất có lợi. Dựa vào khả năng của mình, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa những công nghệ đó. Thực tế là hiện nay rất ít người sử dụng hết các tính năng của smartphone hoặc các thiết bị công nghệ cao như camera AI. Do đó, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta có thể lựa chọn những công nghệ phù hợp và miễn phí, điều quan trọng là phải kiên trì và có kế hoạch rõ ràng.

Mọi quyết định liên quan đến dữ liệu hay cách thức hoạt động, như việc sử dụng phần mềm quản lý công việc, phần mềm tạo to-do list, hoặc chuyển đổi văn bản thành lời nói, hay từ văn bản thành video, đều có sẵn và dễ áp dụng. Các phần mềm nguồn mở hiện nay cũng rất phong phú và có thể tối ưu hóa cho từng lĩnh vực cụ thể, tùy thuộc vào khả năng của nhân viên và chuyên gia trong doanh nghiệp. Với sự phát triển mạnh mẽ của các module, doanh nghiệp có thể sử dụng các module có sẵn, kết hợp và phát triển thêm những tính năng phù hợp với nhu cầu của mình. Điều quan trọng không phải là chỉ tối ưu hóa hoặc kết hợp các công nghệ mà còn là việc kiên trì tìm hiểu và sử dụng chúng. Nhà quản trị cần có kiến thức và kiên định trong quá trình chuyển đổi số, vì thực tế, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công cụ hay công nghệ, mà còn là vấn đề con người. Nếu con người không sẵn sàng, dễ nản chí hoặc thiếu kiên trì, thì sẽ không thể tận dụng được những lợi ích mà công nghệ mang lại. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp hiện có công nghệ và thiết bị nhưng lại không khai thác hiệu quả, giống như việc chúng ta không sử dụng hết tính năng của smartphone, dẫn đến không đạt được lợi ích tối đa.

Trở thành Nhà lãnh đạo Công nghệ hàng đầu

TS. Trịnh Tú Anh: Chương trình Thạc sĩ MBA – Quản trị công nghệ tại UEH có những đặc điểm nổi bật nào, và chương trình này có thể đáp ứng được những yêu cầu nào của thị trường và xã hội hiện nay?

TS. Nguyễn Bá Sơn: Chương trình MBA về quản trị công nghệ của chúng tôi được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường lao động. Đây là một chương trình đào tạo liên ngành, theo hướng ứng dụng, nhằm giúp học viên nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức. Chúng tôi đã tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Quốc gia Singapore và MIT, đồng thời kết hợp với thế mạnh đặc thù của UEH.

UEH từ lâu đã là nơi đào tạo những nhà quản trị xuất sắc của Việt Nam, nên chương trình đã được dựa trên nền tảng vững chắc về quản trị điều hành, quản trị nhân sự, quản trị chất lượng, và quản trị chiến lược. Trên cơ sở đó, chúng tôi bổ sung các kiến thức nền tảng về quản trị công nghệ, như quản trị công nghệ, nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp, và quản trị khai thác tài sản trí tuệ. Ngoài ra, học viên sẽ được học các môn liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản xuất thông minh trong nhà máy, và nhiều môn học tự chọn khác. Các môn học này cho phép học viên lựa chọn theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc định hướng cá nhân để phát triển các kỹ năng cần thiết. Chương trình tập trung vào việc cung cấp cho học viên nền tảng công nghệ vững chắc, khả năng ứng dụng công nghệ vào quản trị, kỹ năng đổi mới sáng tạo, và tư duy phản biện.

Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để học viên có cơ hội tham gia vào các dự án thực tế với sự hướng dẫn của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp. Hơn nữa, chúng tôi mời các giảng viên từ các trường đại học nước ngoài tham gia giảng dạy để tạo ra một môi trường học tập tốt nhất, giúp học viên phát triển năng lực và thích nghi tốt với yêu cầu của thị trường. Đó chính là mục tiêu khi chúng tôi xây dựng chương trình này.

Các diễn giả tại phiên thảo luận về “Quản trị công nghệ” trong Live Talk Quản trị & Công nghệ: Góc nhìn từ lĩnh vực công & tư thời đại 4.0

Trong thời đại 4.0, vai trò của nhà lãnh đạo và quản trị công nghệ trong doanh nghiệp đã vượt ra ngoài việc quản lý công nghệ thuần túy để trở thành những người định hình chiến lược và lãnh đạo sự phát triển của doanh nghiệp. Việc kết hợp giữa quản trị và công nghệ không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần một tư duy quản trị hiện đại và linh hoạt. Đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ vì thế trở thành một yếu tố then chốt, đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hóa. Như TS. Trịnh Tú Anh đã khẳng định: “Nhà lãnh đạo cần phải thích ứng, sáng tạo và luôn sẵn sàng học hỏi để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ trong quản trị và phát triển doanh nghiệp”​.

Tìm hiểu thông tin Thạc sĩ MBA – Quản trị công nghệ .

Tin, ảnh: Nhóm chuyên gia, Phòng Marketing – Truyền thông